Chuyện nhà quê

Chuyện nhà quê 1.

Cạnh nhà Noa có nhà anh Tuý và ông Trường nhưng chẳng mấy khi hai nhà đó qua nhà nhau chơi. Số là có bụi dứa anh Tuý làm hàng rào loi choi sang, mấy lần ông Trường đi thăm vải bị gai dứa cào toạc máu. Ông Trường tức lắm, nhân hôm tối trời mưa to ông ra phạt cho bằng hết. Anh Tuý chẳng nói chẳng rằng cứ con gà nào chạy sang là anh ném cho què chân. Mà anh ném rất tài, con nào con nấy chỉ què đúng một chân khiến đàn gà nhà ông Trường đi lại trong vườn cà nhắc trông đến ngộ.

Thế là ông Trường chửi, chửi mệt thì ông cho vợ, cho cháu ra chửi. Chửi đến ngày thứ hai, anh Tuý vác về cái đài casette chõ vào ngõ nhà ông Trường. Có nghe mới biết đúng là chửi như hát hay, anh Tuý phải cất công lên huyện mua cái đài băng, không quên nhờ mấy bà hàng chợ thu âm giọng chửi vàng ngọc lại. Ông Trường đành chịu, dại gì mà cãi nhau với đài.

Nhưng nghe chửi mãi cũng mệt, thỉnh thoảng anh Tuý đổi băng nhạc vàng, băng quan họ cho có màu sắc. Ông Trường ngoài mặt cáu nhưng trong lòng thích lắm, ông bảo đúng là cái giống đài Nhật nghe cứ như xem hát thật.

Có lần anh Tuý đổi lại bài chửi, ông Trường cáu quát um lên. Anh Tuý ngó sang hề hề: “Con đùa bố tí, thế bố thích nghe bài nào con bật.” Ông Trường nhẹ giọng: “Ờ thì bài nào cũng được, miễn là đừng chửi nữa”. “Chính bố nói thế nhé” – Anh Tuý lại hề hề.

Hôm nọ anh Tuý lên Hà Nội ăn đám cưới, sáng sớm hôm sau đã vác chai rượu sang nhà ông Trường. “Bố ạ, thủ đô giờ họ tiên tiến lắm, đi đâu cũng được nghe Đan Mạch, lên xe buýt thì “Đan Mạch lui xuống dưới”, ăn phở thì “Đan Mạch ăn nhanh lên”, đến trẻ con đi học cũng rôm rả trên đường “Đan Mạch hôm nay mấy điểm”, “Đan Mạch, có 7 điểm thôi.” Ông Trường nghe chẳng hiểu gì hỏi: “Dạo này dân Đan Mạch sang ta nhiều hử anh?”. Anh Tuý cười hô hố, “Bố quê còn hơn con, ờ thì bố cứ hiểu như bố con ta chào nhau “Anh đi làm đồng về đấy à”. Ông Trường gật gù, “Ờ, sáng tạo đó, dân thủ đô họ bận và lắm việc, chào rút gọn thế cho tiết kiệm thời gian. Mà bao chuyện nào là chặt cây, đổ cầu, kiện tụng này nọ, căng thẳng thế cũng phải Đan Mạch cho nó giải toả chứ”. Anh Tuý lại vỗ đùi cái đét: “Đan Mạch, bố nói chuẩn quá, đúng ý con”.

Chuyện nhà quê 2.

Thằng Noa có hai ông đều mấy chục năm tuổi Đảng. Ông nội trên 70 nhưng nhanh nhẹn và nhìn rất trẻ, vẫn trèo cây lội sông như thanh niên. Thời sự quốc tế hay trong nước chẳng bỏ buổi nào, ngồi nói chuyện với ông mà không cẩn thận bị vặt cho như chơi. Họp hành trong xã vẫn dậy từ gà gáy, đeo đủ các bộ huy chương đến uỷ ban từ lúc bảo vệ chưa kịp ngủ dậy. Ông là trưởng ban hoà giải của xã, trưởng cái ban có một người làm, màu mè không thấy đâu suốt ngày lọ mọ vác tù và. Có lần phát huy tinh thần trưởng ban hoà giải, trên đường lên huyện thăm con cả thấy hai thằng thanh niên đang cầm gạch gầm gè nhau, ông xuống xe bảo “Các cháu phải thế này, các cháu phải thế kia,…”. Hai thằng thanh niên trơ mắt ếch rồi phì cười bỏ gạch xuống, “Thôi bọn con không đánh nhau nữa, bố đi không con cái lại mong.” Ông hay lôi chuyện ngày xưa ra kể với đám con cháu, “Ngày xưa bằng tuổi các cháu, ông đã làm bí thư đoàn hô một tiếng mấy trăm người nghe theo.” Bà đi ngang qua bảo: “Ông làm bí thư đoàn nhưng mà chúng nó cũng đấu tố có tha gì, nhà nuôi bộ đội, các anh làm liệt sĩ mà cũng bị cho lên bờ xuống ruộng”. Ông bèn chống chế: “Ờ thì đó là chuyện xưa, ngày ấy thịt không có mà ăn, bây giờ xe máy chạy đầy đường, thịt cá đuề huề, sướng hơn ngày xưa gấp vạn”.

Ông ngoại thằng Noa cũng trên 70 là hiệu trưởng về hưu, ngày vẫn ba bữa rượu, nấu cơm giặt giũ cho cụ bà bị thoaí hoá xương cột sống mấy năm nay. Động đến quan chức là ông chửi “Quan nước mình cái gì cũng ăn được, từ trung ương tới địa phương. Giá ăn mà làm được việc thì còn đỡ, đằng này…”. Có mấy cậu không tốt nghiệp được cấp 3 vì đến đưa tiền bị ông đuổi về từ đầu ngõ, sau chạy chọt kiểu gì cũng tốt nghiệp được ở nơi khác, nay lên chức to mỗi lần về quê xe con chạy bụi tung mù, gặp ông chả thèm chào lấy một câu. Vậy mà ông chẳng giận, chỉ bảo, “Mẹ nó, nước mình bé tí, bé bằng cái kẹo mà đâu lắm thằng ngu thế.”

Noa đi học đại học, phấn đấu được mấy cái giải thưởng, được trường đưa vào danh sách kết nạp đi học cảm tình. Noa từ chối, nghe đâu nó bảo mấy thầy giáo vụ, thôi các thầy cho em làm sinh viên bình thường, chứ nhỡ may em được kết nạp em lại không còn gọi là các thầy nữa mà toàn là các “đồng chí” thì các thầy lại khó xử. Chuyện đến tai hai ông, ông nội gọi ngay bố Noa về bảo “Anh bạc đầu rồi mà không biết dạy con”, ông ngoại thì than “Tiên sư nó chứ, lại phản động rồi. Cẩn thận bị bắt bỏ tù bây giờ”.

Nay ông nội đã thành người thiên cổ, ông ngoại cũng trở thành luôn trưởng ban hoà giải của làng. Mỗi lần về quê thắp hương cho ông nội, nó cũng thắp hương cả bàn thờ Bác Hồ đặt cạnh tấm ảnh ông mặc quân phục đeo huy chương. Về ông ngoại, nó vẫn lau chùi cái bằng kỷ niệm mấy chục năm tuổi Đảng của ông, an ủi ông rằng nó vẫn là thằng Noa không bị bỏ tù vì phản động. “Ừ ừ, ông gật gù. Thế là tốt, khó lắm cháu ạ, thay thế đéo nào được…”

3. Ngẫu hứng quê

Ngày … tháng … năm

Noa à, mày có nhận được thư của tao không. Tao lại sắp đi dệt lụa, những tấm màn gấm thêu hoa tương phản với những gì mày đang thấy. Hôm nọ về quê gặp bà lão thưa kiện gần chục năm giời, cụ chả buồn khóc nữa, nhìn tao dửng dưng, nhà trống hoang trống hoác, đất đai đâu mà cày cấy, của nả theo đường oan mà lũ lượt ra đi. Tao cay quá, chạy vội ra ngoài không khóc ở đó mất. Mẹ nó, bằng này tuổi đầu rồi mà còn khóc.

Quê mình còn đẹp đấy, mày vẫn thấy người quê mình còn chất phác thật thà và niềm nở, có những nơi tao đi qua người ta chẳng buồn liếc mắt nhìn, họ chỉ bảo “xe cán bộ đấy”. Mày đi xa có biết chỗ này chỗ kia đình đài miếu mạo trung tâm hành chính dựng lên mượn danh văn hoá, truyền thống không. Người sống còn sờ sờ quệt mồ hôi lau nước mắt, cái tình người sống còn không làm được bảo chăng cái nghĩa người chết.

Mày bảo thay đổi, ừ thay đổi chứ, nhưng người ta ném gương lên treo giữa các vì sao rồi lại ngửng đầu soi thấy mình đẹp quá. Mày bảo thay đổi chi, thay cái gương hay thay cả các vì sao.

Người ta bảo cánh hoa rơi chọn chi đất sạch, nhưng tao vẫn muốn chọn quê mình để rụng xuống. Mày cũng thế, về với tao, tao sẽ bỏ nghề dệt lụa, hai thằng về quê làm trưởng ban phó ban hoà giải, cố giữ cho bằng được cái chất phác niểm nở của người quê mình. Cái mày đang lo nó biến mất – lẽ phải và chân lý đó, chỉ khuất đi chứ không bao giờ tắt.

Tao tin là vậy. Đó là ngẫu hứng quê của tao…!

Leave a comment