CÁT NHỚ

Khi 19 tuổi bạn đã từng nhận được cuộc điện thoại lúc nửa đêm nào chưa. Mình thì đã từng, vài cuộc, bắt đầu bằng câu “Xin lỗi, ai ở đầu dây đó”. Những 8X bắt đầu có điện thoại di dộng chắc còn nhớ cảnh này. Lục trong danh bạ điện thoại không có ai để gọi, hay là ta thử ấn một số bất kỳ – biết đâu. Đó là cách Thi làm quen với mình, trên chuyến tàu vào SG (có lẽ vậy) mở ra chuỗi ngày nhắn tin trò chuyện với nhau. Thi nói H hãy viết về Thi nhưng mình từ chối, mình bảo câu chuyện của cậu chưa đủ sức nặng, cậu lớn lên ở quê, có một em trai, bố mẹ cho cậu lên thành phố học, những câu chuyện đó ở nước Việt Nam này có hàng trăm ngàn.

Vậy H hãy tưởng tượng về bờ sông nhà Thi để viết đi. Mình nói khi chưa trải nghiệm sẽ rất khó để viết, dù cho Thi có nói tóc Thi rất dài, Thi ngồi trên cầu tre vắt chân xuống dưới và quay đầu lại nhoẻn cười, gió thổi tóc Thi bay bay chỉ vài sợi vương lại qua mặt như những dải cát nhớ gợn lên từ đằng xa. Thi khen từ “cát nhớ” đẹp nhưng chưa có trong từ điển. Mình bảo, rồi Thi sẽ thấy qua vài lần nói chuyện với H Thi sẽ sáng tác ra những từ mới, đọc đi đọc lại có vẻ “rất có lý”. Thi bảo “Ờ ha”, mình tưởng tượng ra Thi đang vục tay lên cát và thả trôi theo chiều gió, những hạt cát lưu luyến nhớ dắt nhau bay đi.

Thi nói nếu ba má không muốn Thi ra khỏi con sông này thì có là câu chuyện đáng để viết không. Mình bảo, cũng có thể nhưng vẫn là câu chuyện của chục ngàn gia đình, bố mẹ gói ghém con cái trong những trải nghiệm của mình. Thi cười, thế thì chuyện Thi cứu một con bê con lạc nước không có trong túi trải nghiệm của ba má Thi rồi. Thi kể mùa nước lên, gia súc thỉnh thoảng sa chân rồi bị nước cuốn đi mất. Con bê con đó cũng vậy, nhưng nó sợ Thi cứu H ạ. Khi Thi gần tới được đôi mắt nó “hoang sợ”, từ mới, tức là hoang dại và sợ hãi. Một con bê đáng thương, đáng thương như những thằng sinh viên tỉnh lẻ như H bị lừa vài lần ở HN đến độ đi đâu cũng nhìn với con mắt dè chừng. Thi cũng không thích SG H ạ. Ở đó Thi sợ mình thành một con người khác, là thứ mà con bê con phải sợ.

Thi đừng tự tin về bản thân quá như vậy, H chưa tới SG nhưng đoán nó cũng như HN thôi, cũng có lúc chữa lành vết thương – là đêm. Ờ ha, đêm nọ khi thấy Thi nằm im vì con bê con không qua khỏi cơn đuối nước, ba má đã nói Thi sẽ lên SG học. Lúc ba Thi nhảy xuống vớt con bê lên, mắt ba cũng đỏ. Nhờ con bê mà Thi được đi học, thế có tàn nhẫn không H? Không, con bê chỉ là cái cớ còn ba Thi đã có quyết định trước đó rồi, chẳng qua ba Thi “yêu lạnh” một chút thôi.

“Yêu lạnh” – từ mới. Tình yêu hay sự lạnh lùng cũng cần phải học H ạ. Rồi sẽ có một ngày H sẽ phải viết về câu chuyện của Thi, vì H “học lạnh” rất tồi. “Học lạnh” – H thấy từ đó hay không? Không, vì H chịu lạnh dở lắm.

Nếu sau này Thi có con, Thi sẽ không cần con mình phải cứu một con bê để hiểu nó. Không ai nói trước được đâu Thi ạ. H đọc được đâu đó “Người ta chỉ thành đàn ông đàn bà khi làm cha mẹ”. Ờ ha, Thi rất sợ từ “đàn bà”. Thi vẫn chưa là đàn bà, H gọi Thi là con gái thôi ha. Mà H có phải là đàn ông không mà sao nói chuyện già dữ vậy. Không, H cũng muốn thành đàn ông nhưng chưa có thời cơ. Thi bảo đang cười nắc nẻ như có ai chọc. Chuyện này ở HN người ta hay nói lắm phải không? Không, người ta còn nói những chuyện sợ hơn cơ, kiểu như cố nhét Paris vào trong lòng HN.

H à, Thi sắp phải xuống tàu rồi, lại thêm một chuyến tàu nữa Thi được nhắn tin với H. Thế này đã đủ để viết chưa? À, vẫn chưa, chừng nào H cùng đi tàu với Thi đã. Vậy thì khó lắm nha H. Chúc H ngủ ngon.

“Xin lỗi, ai ở đầu dây đó.”

“Dạ xin hỏi đó có phải là điện thoại của Thi không ạ?”

“Chị Thi. Chị Thi mất gần 1 tháng nay rồi. Vì đuối nước.”

“Sao ạ…! Một tháng!

…..Có phải vì con bê?”

“Đúng rồi. Mà sao anh …”

——————————-

Viết câu chuyện này ra mình đã biết có một mảnh ký ức của ai đó đang trôi đi nhưng mãi sẽ không được tìm thấy.

Mình đặt tên nó là “cát nhớ”. Gửi tới chuyến tàu của Thi…

Leave a comment