Tag Archives: Đường đời

CÁT NHỚ

Khi 19 tuổi bạn đã từng nhận được cuộc điện thoại lúc nửa đêm nào chưa. Mình thì đã từng, vài cuộc, bắt đầu bằng câu “Xin lỗi, ai ở đầu dây đó”. Những 8X bắt đầu có điện thoại di dộng chắc còn nhớ cảnh này. Lục trong danh bạ điện thoại không có ai để gọi, hay là ta thử ấn một số bất kỳ – biết đâu. Đó là cách Thi làm quen với mình, trên chuyến tàu vào SG (có lẽ vậy) mở ra chuỗi ngày nhắn tin trò chuyện với nhau. Thi nói H hãy viết về Thi nhưng mình từ chối, mình bảo câu chuyện của cậu chưa đủ sức nặng, cậu lớn lên ở quê, có một em trai, bố mẹ cho cậu lên thành phố học, những câu chuyện đó ở nước Việt Nam này có hàng trăm ngàn.

Vậy H hãy tưởng tượng về bờ sông nhà Thi để viết đi. Mình nói khi chưa trải nghiệm sẽ rất khó để viết, dù cho Thi có nói tóc Thi rất dài, Thi ngồi trên cầu tre vắt chân xuống dưới và quay đầu lại nhoẻn cười, gió thổi tóc Thi bay bay chỉ vài sợi vương lại qua mặt như những dải cát nhớ gợn lên từ đằng xa. Thi khen từ “cát nhớ” đẹp nhưng chưa có trong từ điển. Mình bảo, rồi Thi sẽ thấy qua vài lần nói chuyện với H Thi sẽ sáng tác ra những từ mới, đọc đi đọc lại có vẻ “rất có lý”. Thi bảo “Ờ ha”, mình tưởng tượng ra Thi đang vục tay lên cát và thả trôi theo chiều gió, những hạt cát lưu luyến nhớ dắt nhau bay đi.

Continue reading

ĐƯỜNG ĐỜI – (3) Vệt son

Mận lên Hà Nội học đại học!

Phải mất cả tháng trời Than mới giúp Mận làm quen được với thành phố này. Mấy ông già rung đùi ngậm tăm ngồi vệ đường, lũ sinh viên ngồi chật quán cơm bàn chuyện số đề, mông má và đi thầy. Cả cây hoa sữa trên con đường phía sau ký túc phủ đầy bụi nhưng vẫn để lại hương thơm kiêu hãnh vào tóc, vào tay mỗi lần dạo qua. Vậy mà, có lúc hai đứa đi bộ cùng nhau, cơn mưa vừa tạnh chẳng bao lâu khiến mặt đường ướt nhẹp nhưng Mận vẫn bỏ dép đi chân trần. “Cho giống ở quê mình. Đi xa mới thấy nhớ quê anh ha.” – Mận bảo.

Ký túc xá của Mận nằm không xa chỗ Than ở. Những buổi sáng tờ mờ sương Than chạy một vòng quanh trường, rồi đứng cạnh hàng rào nhìn lên ban công ký túc. Thường khi nhìn rõ mặt người, Mận sẽ bước ra, một tay vén tóc, một tay chạm nhẹ vào chậu xương rồng, nhoẻn cười và cúi xuống phía dưới vẫy tay với Than. Khoảnh khắc đó in đậm vào tâm trí Than tới nỗi, sau này mỗi khi đi qua ký túc xá đó nó sẽ không ngước nhìn lên, nó sợ mình sẽ nhìn thấy một thứ gì khác không phải hình ảnh Mận.

Continue reading

ĐƯỜNG ĐỜI – (2) Chuyện không buồn trong lòng thành phố

Cuối cùng Than cũng đi học đại học. Ngồi trên ô tô nó ngẫm nghĩ thế là cũng đã được hơn nửa năm lên thành phố. Mọi thứ trong nửa năm còn thay đổi nhanh hơn cả khi nó ở nhà. Bụi tre lớn nhanh như thổi, vụ cá của ông bà già đổi lấy chữ “đại học”, và chị Thơm về tỉnh làm. “Rồi cũng một tấm chồng cho có chỗ vào ra”, tối qua bà già ngồi đầu hè chép miệng, chị Thơm ngồi thu lu góc giường dán mắt vào cái điện thoại day đi day lại vờ như không nghe thấy.

“Lại chồng con” – tự dưng nó nhớ tới Mận. Quán nước nhà con Mận dạo gần đây vắng khách, thi thoảng vài bà sắt vụn hay người làm đồng đi qua dừng chân làm ngụm nước, 500, 1 nghìn chả đáng là bao. Đó là từ khi ông chú họ con Mận dựng cái nhà đối diện “Cà phê karaoke hương quê” nghe rất kêu và mùi mẫn. Giải khát, bia hơi, sến súa, bưởi bòng và cả “nháy nháy” đủ cả. Con Mận bảo ông chú vẫn sang vỗ vai bố nó rồi cười nhếch miệng “làm ăn phải thế này ông anh tôi ạ”. Bố con Mận nghe vậy chỉ lầm lỳ, còn con Mận, nó sợ những đốm thuốc lập loè trước hiên mỗi tối, những con mắt dài dại xuyên thẳng vào căn nhà xiêu vẹo, sợ cả khi bố nó bảo “rồi cũng phải gả chồng cho mày thôi”.

Continue reading

ĐƯỜNG ĐỜI – (1) Đại học

(Tặng các em thi Đại Học)

Than đang nằm ngủ trưa thì thằng Hùng nhắn tin bảo: “Có điểm rồi đó”. Nó dùng con điện thoại ghẻ mà bà chị để lại vào xem. Nó chả bất ngờ về số điểm này, kể cả điểm văn. Nói về “đánh thức tiềm lực”, nó đã viết về “Tiền” – nỗi ám ảnh cũng là tiềm lực duy nhất của bố nó, mẹ nó, chị nó dành cho nó. Nó viết về cách người ta kiếm tiền, như cách bà già nó bốn giờ sáng dậy đi bán hàng quà ở chợ, như cách chị nó cả tháng hè không về nhà để đi dạy thêm, cũng như cách ông già nó hàng đêm phải ra trông bọn trộm cá ngoài bãi. Nó viết về cả cách tiêu tiền, những chắt chiu của gia đình nó đối lập với cách người ta ném tiền qua cửa sổ đầy rẫy như những vụ án vẫn ra rả trên ti vi.

Viết như vậy, thì điểm như vậy chứ biết làm sao – thằng Than thở dài, nó ra gian ngoài thấy bà già đang bóc lạc, ông già đang ngồi xem thời sự buổi trưa. Nó bảo số điểm, ông già nó làm ngụm nước chè rồi chép miệng, hay tao đánh con lô cho mày lên Lào Cai du học. Bà già nó lườm, lên đó để gái dân tộc bắt mất à, thôi vào Nam đi trồng rừng. Bà già phán bừa mà khéo lại hay, nó nhẩm tính điểm của mình chắc đủ vào trường Lâm Nghiệp cơ sở phía Nam, ít ra thì cũng là vào đại học. Nghĩ vậy lòng nó nhẹ nhõm hơn chút, nó đứng lên đi dạo ra bờ đê.

Continue reading